ICS Vietnam

Hotline: 0961242622 | Email: icsinfo.vn@gmail.com

International Charter School of Viet Nam
Hành Trang Hội Nhập Giáo Dục Quốc Tế
Tại sao cần giáo dục sớm cho trẻ 2 tuổi?

Table of Contents

Giáo dục sớm cho trẻ 2 tuổi – Lưu ý gì khi giáo dục trẻ 2 tuổi?

Tùy vào từng giai đoạn phát triển cho con, cha mẹ cần áp dụng phương pháp giáo dục đúng đắn và phù hợp để con được phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần. Giáo dục sớm trẻ 2 tuổi không chỉ giúp con phát huy tiềm năng của bản thân mà còn tạo tiền đề, giúp con chuẩn bị hành trang vững chắc cho tương lai.

Nếu còn băn khoăn về cách giáo dục sớm cho bé 2 tuổi, cha mẹ hãy tham khảo bài viết dưới đây để có thêm những kiến thức hữu ích cho quá trình nuôi dưỡng và dạy con 2 tuổi nhé!

1. Tại sao cần giáo dục sớm cho trẻ 2 tuổi?

Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra 3 năm đầu đời là giai đoạn não bộ của trẻ phát triển vượt bậc, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tương lai. Vì thế, cha mẹ đừng bỏ lỡ thời điểm quan trọng này, kịp thời áp dụng các phương pháp giáo dục sớm để giúp con phát triển toàn diện.

Khi lên 2 tuổi, trẻ đã có những phát triển nhất định về trí tuệ, nhận thức và tư duy. Đây là lúc mà cha mẹ nên có những cách giáo dục phù hợp để khai phá những tài năng tiềm ẩn của con, kích thích phát triển trí não, khả năng sáng tạo của bé.

Tại sao cần giáo dục sớm cho trẻ 2 tuổi?
2 tuổi là lúc thích hợp khai phá những tài năng tiềm ẩn của con

2. Nguyên tắc giáo dục sớm cho trẻ 2 tuổi

2.1. Sử dụng âm nhạc trong việc giáo dục sớm

Theo nhiều nghiên cứu khoa học, âm nhạc là công cụ tuyệt vời giúp phát triển trí thông minh, giúp trẻ linh hoạt và nhanh nhẹn hơn.

Ở giai đoạn trẻ 2 tuổi, cha mẹ hãy thường xuyên cho trẻ tiếp xúc với âm nhạc, nghe các bản nhạc có giai điệu đẹp, vui nhộn và phù hợp với tuổi để có thể kích thích phát triển trí não tối đa cho con. Bên cạnh hoạt động nghe nhạc, cha mẹ có thể bổ sung các trò chơi liên quan đến âm thanh, nhịp điệu, giúp trẻ nhận biết các loại âm thanh khác nhau.

Ngoài ra, cha mẹ nên mở các bài nhạc sôi nổi và hướng dẫn cho bé nhún nhảy theo. Đây là cách đơn giản vừa giúp bé hoạt động tay chân, vừa giúp bé ghi nhớ các giai điệu, phát triển trí tuệ tốt nhất. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể giúp con nghe Tiếng Anh thụ động bằng cách nghe nhạc Tiếng Anh để bé tiếp cận với môi trường học tiếng anh ngay từ nhỏ.

2.2. Thường xuyên trò chuyện cùng con

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng cha mẹ càng nói chuyện nhiều với con thì con học được càng nhiều từ mới. Cách đơn giản để trò chuyện cùng con và đã được các chuyên gia khuyên dùng đó là phương pháp “tường thuật hoạt động một ngày”. Đây là việc bạn nói chuyện với con bằng việc kể lại một ngày bạn làm những công việc gì, miêu tả chi tiết lại cho bé nghe đồng thời thể hiện cảm xúc phù hợp với câu chuyện để thu hút và khơi gợi sự tò mò của bé.

Nguyên tắc giáo dục sớm cho trẻ 2 tuổi
Thường xuyên trò chuyện là một nguyên tắc giáo dục sớm trẻ 2 tuổi

Cha mẹ hãy tạo nhiều cơ hội cho con tiếp xúc với ngôn ngữ hàng ngày bằng việc thường xuyên trò chuyện, sử dụng những từ ngữ đa dạng và sinh động để giúp con phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết sau này.

2.3. Cho con làm quen với sách từ sớm

Giáo dục sớm cho trẻ 2 tuổi không thể thiếu việc tạo thói quen đọc sách cho con từ sớm. Ở giai đoạn này, trẻ chưa biết đọc chữ nhưng trẻ có thế phát triển bản thân thông qua tranh vẽ, màu sắc, câu chữ trên quyển sách. 

Điều này chắc chắn có ích cho sự phát triển trí não, tư duy của bé trong tương lai. Cha mẹ chỉ cần đảm bảo cho bé hiểu cách đọc từ bìa trước ra bìa sau và biết cách cầm sách. Khi đọc sách cho con, cha mẹ hãy nhớ dùng ngón tay chỉ theo các hình ảnh, các từ trong sách để trẻ liên kết với các từ ngữ bạn đang nói. Như vậy bé sẽ dần có khái niệm là đang được nghe bạn đọc sách, đồng thời giúp bé phát triển nhận thức, kích thích khả năng sáng tạo và nâng cao trí tưởng tượng. 

2.4. Cho con chơi các trò chơi bổ ích 

Đa phần kiến thức của trẻ 2 tuổi được thu nhận thông qua vui chơi và giao tiếp hàng ngày. Cha mẹ hãy lựa chọn các đồ chơi và cách tổ chức trò chơi phù hợp, có tác dụng trong việc phát triển kỹ năng cần thiết cho con.

Một số những trò chơi phù hợp với trẻ 2 tuổi giúp trẻ phát triển kỹ năng như là:

  • Trò chơi phát triển kỹ năng vận động: nặn đất nặn, vẽ tranh, tô màu, chuyền bóng bay, cầu trượt,…
  • Trò chơi phát triển ngôn ngữ: vẽ tranh theo lời bài hát, …
  • Trò chơi phát triển kỹ năng hợp tác: trò chơi nhập vai cùng với bạn bè của bé như đóng vai bác sĩ y tá, làm đầu bếp…
  • Trò chơi phát triển nhận thức: trò chơi nhập vai
Nguyên tắc giáo dục sớm cho trẻ 2 tuổi
Giúp trẻ phát triển ngôn ngữ bằng việc vẽ tranh theo lời bài hát

3. Lưu ý giáo dục sớm cho trẻ 2 tuổi

Khi lên 2 tuổi, trẻ có những thay đổi lớn cả về trí tuệ và cảm xúc với thế giới xung quanh. Đây cũng là lúc trẻ bắt đầu hình thành tính cách riêng, phát triển cá tính riêng.

Bên cạnh việc não bộ phát triển vượt bậc thì thái độ, cảm xúc của bé cũng có sự thay đổi mạnh mẽ. Bé thường có cảm xúc bực bội, đôi khi giận dữ, thất vọng và người ta gọi tâm lý lúc này của trẻ là khủng hoảng tuổi lên 2. Điều này có thể lý giải là khi này trẻ bắt đầu độc lập hơn, thích tự hành động mà không chịu nghe lời, hoặc nổi cáu vì không thể diễn đạt ý kiến của mình.

Đó là tâm lý của trẻ 2 tuổi, cha mẹ không cần phải quá lo lắng vì bé sẽ dần ổn định khi qua thời gian khó khăn này. Quan trọng là cha mẹ phải luôn bên cạnh, đồng cảm và dành cho con tình yêu thương, sự kiên nhẫn và tôn trọng với con. Có như vậy, con sẽ cảm thấy an toàn và an tâm hơn, dễ dàng vượt qua khủng hoảng tuổi lên 2.

Lưu ý giáo dục sớm cho trẻ 2 tuổi
Khủng hoảng tuổi lên 2

Như vậy, thông qua bài viết này, các bậc cha mẹ cũng phần nào hiểu về giáo dục sớm cho trẻ 2 tuổi, biết các nguyên tắc và lưu ý khi giáo dục sớm cho con. Hy vọng bài viết trên hữu ích với các bạn đang gặp khó khăn trong việc giáo dục khi con lên 2 tuổi.

Đọc thêm:
1. Giáo dục STEM là gì? Giới thiệu về giáo dục STEM
2. Acellus STEM 10 là gì? | Các khóa học trong chương trình STEM-10
3. STEM Robotics là gì? Những điều cần biết về STEM Robotics
4. Ưu điểm và nhược điểm của giáo dục sớm
5. Tìm hiểu về phương pháp giáo dục sớm Montessori
6. So sánh phương pháp Montessori và Reggio Emilia về mục tiêu, đối tượng, dụng cụ học tập
7. Tìm hiểu về phương pháp giáo dục Shichida
8. Giáo dục sớm cho trẻ từ 0-12 tháng tuổi – Phương pháp nào tốt?
9. Homeschooling là gì? Những sự thật cần biết về homeschool

Các bài viết liên quan

Bài viết được đọc nhiều